Một nét văn hoá đặc sắc không thể bỏ qua khi bạn đặt chân đến mảnh đất Hà Giang hùng vĩ nhưng cũng đầy thi vị đó chính là tham gia vào chợ tình Hà Giang. Hay bạn có thể biết đến với một tên gọi khác là chợ tình Khâu Vai. Chợ tình Hà Giang là địa điểm, một “lễ hội phong tình” mà bất cả ai đi du lịch ở Hà Giang cũng muốn hòa mình vào không gian đó.
Vậy, bạn biết gì về chợ tình này? Chợ tình Hà Giang này có gì khác với những chợ tình ở các tộc người khác không? Muốn tham gia cần chú ý những gì? Hãy cùng tham khảo ngay bài Review chợ tình Hà Giang của MOTORBIKE để khám phá nét đặc sắc nơi đây bạn nhé.
Nội dung bài viết
Đôi nét tổng quan chung về chợ tình Hà Giang
Chợ tình Hà Giang hay chợ tình Khâu Vai là một trong những nét văn hoá bản địa lâu đời của cả vùng núi đá Hà Giang này. Chợ tình Hà Giang có lịch sử hình thành lên đến hơn 100 năm. Cho đến ngày nay chúng càng được coi trọng hơn khi đóng vai trò là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
– Lịch sử hình thành và vai trò của chợ tình Hà Giang
Cứ đến ngày 27 tháng 3 theo lịch âm hàng năm người dân Khâu Vai bất kể già trẻ, trai gái đều nô nức trảy hội chợ tình vui Xuân. Chợ tình Hà Giang diễn ra trên địa bàn bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Sở dĩ được diễn ra vào tháng 3 âm lịch là bởi đây là khoảng thời gian nông nhàn, khi mọi người dân bản đã cấy lúa hoàn tất. Công việc đồng áng không còn vướng bận nên vào thời gian này có rất nhiều lễ hội khác cũng diễn ra.
Chợ tình Hà Giang ước tính đã có mặt từ những năm 1919, đúng theo phong tục xưa thì chỉ diễn ra trong vòng trọn vẹn ngày 27 tháng 3 mà thôi. Ở những đường ngõ của chợ và các cánh rừng lân cận luôn tấp nập từ sáng sớm cho đến đêm muộn. Nhưng ngày nay, do yếu tố thương mại hoá và ý thức làm du lịch của tỉnh cũng như người dân nơi đây nên chợ tình Hà Giang kéo dài tận 3 ngày.
Một điểm khác của chợ tình Khâu Vai Hà Giang chính là đã được sở du lịch tỉnh đưa lên thành điểm nhấn trong tuần lễ văn hoá du lịch chợ tình Khâu Vai. Việc nâng cấp lên như vậy nhằm tăng tính lễ hội truyền thống đa dạng vào trong hơi thở của đời sống. Cũng là một cách để quảng bá văn hoá, du lịch tỉnh Hà Giang nói riêng và dải đất hình chữ S Việt Nam nói riêng.
Bản sắc dân tộc luôn luôn là điều làm nên những khảm màu và hồn cốt cho văn hoá Việt Nam. Là một mảnh ghép trong muôn trùng những mảnh ghép văn hoá khác nhưng thiếu nó thì văn hoá Việt Nam không còn trọn vẹn. Đó chính là lý do những lễ hội, văn hoá bản địa nhất như chợ tình Hà Giang ngày càng được coi trọng hơn bao giờ hết. Đến với chợ tình Hà Giang du khách được biết đến thêm nhiều những phong tục, những câu chuyện đời nhất, chân phương nhất như chính tinh thần của người dân nơi mảnh đất địa đầu Tổ Quốc này.
– Sự tích – mảnh màu đậm nét giải thích cho sự hình thành nên chợ tình
Có lẽ rằng trong chúng ta nhiều người thắc mắc rằng chợ tình Hà Giang được bắt nguồn từ đâu. Tại sao lại có một phiên chợ tình đặc sắc đến vậy tại nơi đây. Còn điều gì ẩn ý thông qua phiên chợ tình Hà Giang này hay chăng?
Đúng vậy, chợ tình Hà Giang được truyền khẩu lại cho thế hệ kế cận về một mối tình đầy ngang trái của đôi bạn trẻ. Chuyện kể rằng, nàng Ba và nàng Út đã xây dựng được cho mình những tình cảm yêu đương nồng nhiệt của tuổi trẻ. Chàng Ba có vẻ đẹp phong trần, sự phóng khoáng của người dân tộc Nùng nhưng nhà lại nghèo. Nàng Út xinh đẹp như hoa mùa xuân trong trắng và phơi phới, sự duyên dáng của người con gái Giáy.
Những tưởng rằng, đôi bạn trẻ sẽ đến được với nhau và trao cho nhau thứ tình cảm chân thực tự đáy lòng mình. Nhưng vì quan niệm khác biệt (khác ma – tức không cùng tổ tiên dân tộc) của hai tộc người, lại thêm sự “nghèo” của chàng Ba, nên đã bị cả hai nhà ngăn cản. Họ đã bỏ lên núi nhưng hai gia tộc lại vác gậy gộc đến gây thù với nhau. Cả hai không nỡ rời xa nhau nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Và rồi họ buộc phải chia tay nhau, hy sinh thứ tình yêu mới chớm nở đã bị dập tắt ấy. Họ cùng nhau hứa hẹn rằng, vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm sẽ gặp nhau trên ngọn đồi Khâu Vai này để tâm sự cho thoả lòng.
Đến cuối đời, cũng chính vào ngày 27 tháng 3 âm lịch họ gặp nhau và cứ thế ôm nhau đi đến chốn thiên đường. Sau đó, dân làng 2 tộc người biết chuyện và bày tỏ sự thương tiếc cho họ, chỉ vì sự cấm cản của hai gia đình mà từ mối tình yêu nồng nhiệt biến thành mối tình câm cho đến suốt cuộc đời. Vì lẽ ấy, ngày 27 tháng 3 âm lịch được chọn là ngày gặp gỡ lại của những đôi “duyên mình lỡ”.
Từ chính ý nghĩa đấy, phát xuất từ ý nghĩa tốt lành nhưng nhiều người ngày nay lại hiểu một cách lệch lạc đi theo một nghĩa khác rằng “chợ tình là để làm tình với người cũ”. Đây quả thực là một ý nghĩ làm xấu đi bản chất mộc mạc thuở ban đầu của lễ hội chợ tình Hà Giang.
– Ý nghĩa khác lạ của chợ tình Hà Giang
Không như những chợ tình của nhiều dân tộc cùng địa bàn khác với ý nghĩa các cặp trai gái đến để tìm kiếm tình duyên, để hò hẹn mà chợ tình Hà Giang lại là phiên chợ tình dành cho những cặp đôi lỡ duyên. Nghe tưởng chừng như thật khó chấp nhận nhưng đây là một nét văn hoá thể hiện sự tôn trọng đời sống tinh thần của chính những người vợ và chồng. Một nét bản sắc chân thực nhất cũng đầy những ngậm ngùi.
Những cặp đôi lỡ duyên khi đến ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm, họ gặp lại nhau như chàng Ba và nàng Út cùng trò chuyện, tâm sự về những câu chuyện đời thường cũng như tâm tư xúc cảm của cả hai. Có một câu hát thế này: “ Mỗi năm một lần chợ tình Khâu Vai, chẳng nghĩa vợ chồng đắm đuối mặn nồng. Không hờn, không giận chỉ là thương là thương; thương người thương mình, thương tình là tính là tình”. Đó cũng chính là tính nhân văn của chợ tình Hà Giang.
Tuy nhiên dần dần, lễ hội càng ngày càng nới rộng người tham gia cũng như tính chất mở của văn hoá. Vì thế, những năm gần đây chợ tình Hà Giang còn là điểm đến của những bạn trẻ yêu nhau, hoặc đơn giản chỉ là muốn hoà mình vào trong không khí lễ hội của mùa xuân. Và cũng trở thành một lễ hội tình thu hút đông đảo khách du lịch. Người dân bản địa vì thế cũng bày bán thêm các sản phẩm để làm cho màu sắc lễ hội được sinh động cũng để kiếm thu nhập cho gia đình mình.
Hoạt động tại chợ tình Hà Giang
Đến với lễ hội “chợ phong lưu” này, du khách không những được đắm chìm vào cảnh sắc mùa xuân thơ mộng, hùng vĩ mà còn được thả hồn theo những điệu nhạc sáo đong đưa vang vọng cả núi rừng. Chợ tình Hà Giang cũng giống như những lệ hội của Việt Nam là đều có hai phần: phần lễ và phần hội.
Hãy cùng theo chân chúng mình xem phần lễ và hội tại chợ tình Hà Giang có gì đặc sắc bạn nhé.
– Phần lễ của chợ tình Hà Giang
Trong cảnh sắc xuân, già làng cùng người làm lễ (có thể có chính quyền địa phương) cùng làm lễ dâng hương trước miếu Ông, miếu Bà. Miếu ông, miếu bà chính là những vị đã có công sinh thành nên buôn làng Khâu Vai. Qua đây cũng thể hiện được một đạo lý ngàn đời của con dân đất Lạc “uống nước nhớ nguồn”. Sau khi dâng hương và bái lạy, rảy nước thì già làng sẽ đứng lên bục tuyên bố lễ hội chợ tình chính thức bắt đầu.
Những chàng trai với trồng, khèn, sáo trên đây thoả sức đàn hát lên những thanh âm khiến nhiều người phải trầm trồ. Cũng có những cô gái say mê tiếng đàn, tiếng sáo ấy mà họ đã nên duyên vợ chồng. Lễ chợ tình Hà Giang cũng để cầu cho mùa màng được bội thu, tình yêu của đôi lứa được chú trọng.
– Phần hội muôn dáng vẻ của chợ tình
Sau khi đã tham gia vào phần lễ, đến phần hội thì chợ tình Hà Giang không theo một quy tắc nào mà đa dạng cho phép mọi thú vui được diễn ra. Thông thường và đặc trưng nhất là những trò chơi được tổ chức, khách du lịch khi đến có thể đứng theo dõi hoặc trực tiếp trải nghiệm. Một số trò chơi có trong chợ tình Hà Giang phải kể đến như: Hát và hò đối đáp, chọi chim hoạ mi, biểu diễn trang phục dân tộc, múa và kèn sáo thành hình tròn,…Sẽ là một trải nghiệm khó quên nếu như du khách cùng hoà mình và trải nghiệm những điều đó.
Trước kia, chợ tình không bày bán hàng nhưng yếu tố thương mại tràn vào cùng tính chất làm du lịch mà nhiều sản vật dân tộc được bày bán nhiều trong chợ. Nào là xôi ngũ sắc, móng dê rừng, rượu ngô, trang phục dân tộc Dao, Nùng, Giáy, Hmong,…Khách du lịch cũng có thể chọn cho mình vài món đồ để mua làm kỉ niệm cho chuyến hành trình của mình. \
Những chàng trai hay cô gái dưới xuôi lên cũng có thể lựa chọn thuê những bộ quần áo sặc sỡ của dân tộc để làm tăng thêm sự phấn khích cho chính mình. Đồng thời có những bộ ảnh đặc sắc để đăng lên mạng xã hội. Hãy thử khoác lên mình những món phụ kiện cùng chiếc gùi đầy hoa xuân để làm phong phú thêm cho trải nghiệm “chợ phong lưu” này nhé.
Vị trí và những cách di chuyển để tham gia vào chợ tình Hà Giang
Đến với chợ tình Hà Giang vào tháng 3 âm lịch du khách sẽ được đắm mình vào trong tiết trời se lạnh cùng những làn sương trắng bắc ngang đèo. Như đã nói bên trên, chợ tình Hà Giang ngày nay được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 26 đến hết ngày 28 tháng 3 âm lịch hàng năm. Khuôn viên chợ được tổ chức thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 200km.
– Những cung đường để di chuyển thuận lợi đến chợ tình Hà Giang
Xuất phát từ Hà Nội lên đến Hà Giang phải đi quãng đường hơn 320km, tính từ cột mốc số 0km Hà Giang để đi đến Mèo Vạc phải di chuyển thêm 170km. Bạn có thể chọn tuỳ theo vị trí cũng như sự hợp lí đối với di chuyển chuyến đi như sau:
- Di chuyển theo hướng cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Từ nội thành Hà Nội bạn di chuyển qua cầu Nhật Tân đi theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đi theo cao tốc này bạn sẽ đi qua các tỉnh thành bắt đầu từ Vĩnh Phúc, Việt Trì, qua Phú Thọ đến Tuyên Quang. Tại Tuyên Quang tiếp tục rẽ theo đường Quốc lộ 1 đến được Hàm Yên -> Bắc Quang -> Vị xuyên là đến được Hà Giang. (Lưu ý: cung đường dành cho xe ô tô)
Khi đã đến được Hà Giang bạn tiếp tục di chuyển qua cung đường Tam Sơn (cổng trời Quản Bạ) – Yên Minh – Vòng qua ngã ba Sủng Là và thị trấn Phó Bảng. Ở đây để tiếp nối quãng đường đi bạn sẽ đi qua ngã ba Sà Phìn – Lũng Cú (dinh thự vua Mèo nổi tiếng) – cột cờ Lũng Cú rồi đi đến phố cổ Đồng Văn – vượt qua đèo Mã Pí Lèng là đến Mèo Vạc.
- Di chuyển theo quốc lộ 32 – cung đường này cả xe máy hay ô tô đều có thể đi được. Từ nội thành Hà Nội bạn di chuyển đến đại lộ Thăng Long theo hướng Hoà Lạc. Đi theo Quốc lộ 21 để lên Sơn Tây, Sơn Tây – cầu Trung Hoà – Cổ Tiết – cầu Phong Châu rồi đi theo đường 32. Xe sẽ đến Phú Thọ thì rẽ vào quốc lộ 2 rồi chạy thẳng vào vòng xuyến Quốc lộ 2C đến Hàm Yên – Tuyên Quang.
Đến được Tuyên Quang bạn đi theo đúng như hành trình di chuyển bên trên là đến được Hà Giang và vào được huyện Mèo Vạc. Với cung đường này sẽ tiết kiệm được 20 đến 25 km so với cách di chuyển phía trên. Tuy nhiên bạn nên lưu ý về sự an toàn khi đi qua các đèo cao với những đoạn đường dốc và hẹp.
– Di chuyển bằng phương tiện nào?
Trong hai cung đường phía trên phù hợp cho dân đam mê phượt và đã có kinh nghiệm đi nhiều lần. Nếu bạn còn lo lắng về việc di chuyển xe cộ bạn cũng có thể chọn đi xe khách tại bến xe Mỹ Đình (có nhiều nhà xe cho bạn lựa chọn). Giá vé để đi bằng xe khách dao động từ 130.000 đến 200.000 nghìn đồng tuỳ vào nhà xe cũng như loại xe giường nằm hay ghế ngồi.
Đối với loại di chuyển tự túc bằng xe máy ưu điểm của nó chính là sự tự do và hợp với những cung đường nhỏ, hẹp của Hà Giang. Bạn được “đã mắt” với cảnh quan hùng vĩ núi rừng. Nhược điểm là khá nguy hiểm và bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Còn nếu như bạn vẫn lo lắng và không muốn phải lo nghĩ hay tự mình sắp xếp việc đi lại thì có thể lựa chọn book tour du lịch Hà Giang vào tháng 3 âm lịch. Chắc chắn trong tour sẽ có địa điểm trải nghiệm là chợ tình Hà Giang. Không những thế bạn còn được các hướng dẫn viên chăm lo về đường đi, giới thiệu văn hoá, ăn uống đến ngủ nghỉ chu đáo.
- Giá vé tham quan: Không mất vé vào chợ.
Nếu di chuyển từ khách sạn lưu trú đến Chợ Tình Hà Giang và đi các địa điểm lân cận. Bạn nên thuê xe máy Hà Giang để tiết kiệm nhất về chi phí và cũng vô cùng tiện lợi.
Thời gian nên đi để trải nghiệm trọn vẹn
Nếu bạn đã đến Hà Giang thì chắc chắn sẽ còn tham quan nhiều địa điểm khác nổi bật khác như: cung đường chữ M, cổng trời Quản Bạ, đồi thông Yên Minh,…Vì thế, bạn nên đi trước khoảng thời gian diễn ra lễ hội khoảng 1 đến 2 ngày để ổn định về nơi ở cũng như có thời gian thăm thú những địa điểm khác trên đường đến Mèo Vạc.
Thời điểm cuối tháng 3 âm lịch cũng là lúc chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa nên nhiệt độ ấm và có phần ẩm ướt. Nhiệt độ ban ngày (25 độ) và đêm xuống chênh lệch khá lớn từ 5 đến 9 độ C. Đến Hà Giang mùa này bạn vẫn có thể ngắm nhìn được sắc hoa đào còn sót lại trên cao nguyên đá, những làn sương vẫn còn trong trẻo. Để trải nghiệm chợ tình Hà Giang trọn vẹn bạn nên đến vào ngày 27 – ngày chính của phiên chợ. Mặc dù đi vào ngày 27 sẽ khá là đông người, nhưng chính vì thế mà bạn cảm nhận được nhịp sống năng động, nhộn nhịp nơi đây.
Trong khoảng thời gian tham gia, nếu muốn ngắm nhìn được vẻ đẹp khi người dân dọn hàng để bày bán thì hãy thức dậy từ sớm, vừa để ngắm bình minh nơi núi cao vừa hiểu thêm về những nét lao động của người dân bản địa. Đến khoảng giữa trưa về homestay nghỉ ngơi và đừng quên trở lại chợ tình vào buổi tối. Đây được cho là khoảng thời gian linh thiêng với sự thân mật giữa các đôi trai gái. Những quán ăn địa phương mở bán nhiều hơn với các thức ăn khuya đầy nóng hổi.
Đến chợ tình Hà Giang ở khách sạn hoặc homestay nào tốt nhất?
Để được an tâm trải nghiệm những điều đặc sắc tại chợ tình Hà Giang, chắc chắn trước hết phải tìm cho mình một chỗ nghỉ ngơi gần đó để tránh mất công di chuyển nhiều. Dưới đây là một số khách sạn, homestay được nhiều bạn trẻ đánh giá tốt mà bạn có thể tham khảo.
Meovac H’mong Ecolodge
Toạ lạc tại Pả Vi, Mèo Vạc, Hà Giang chỉ cách chợ tình Hà Giang khoảng 30 phút di chuyển lại có thiết kế phòng đẹp mắt. Dịch vụ chăm sóc khách hàng luôn được đánh giá cao từ các du khách. Điểm thích thú nhất khi chọn Meovac H’mong Ecolodge làm nơi dừng chân đó chính là tầm view cực kì đẹp lại linh hoạt trong các hình thức thanh toán. Nhân viên ở đây được hướng dẫn nghiệp vụ thân thiện và chuyên nghiệp. Bạn có thể thanh toán bằng các loại thẻ quốc tế như: American Express, Euro/Mastercard, Visa, JCB, Discover.
Mai Dao 2 Hotel
Khách sạn nằm trong thị trấn Mèo Vạc với nhiều tiện nghi được đánh giá khá tốt. Có khu vực sân vườn, sân thượng và hiên. Bên cạnh đó còn có nhà hàng phục vụ các bữa ăn theo nhu cầu của quý khách. Giá phòng đa dạng theo số lượng người, từ phòng đơn, phòng 3 giường đến phòng có view hướng núi. Thái độ của nhân viên phục vụ ổn, để được trải nghiệm tốt nhất bạn nên đặt phòng từ trước nhé.
Giá phòng: dao động từ 300 – 600 nghìn. (giá tham khảo).
Vivi Homestay
Cũng nằm ngay trong huyện Mèo Vạc, Vivi homestay – địa điểm được đánh giá là hợp lý về giá tiền, cách decor phòng cũng theo phong cách hơi hướng vintage. Điểm đặc biệt là bạn có thể mang theo thú cưng của mình mà không phải mất thêm phụ phí.
Vivi Homestay về đêm
Ăn gì ở chợ tình Hà Giang?
Trong khu chợ tình hoặc những địa điểm gần đó có bày bán những đặc sản bản địa mà nếu có dịp đến du khách nên nếm thử một lần trong đời. Những giá trị văn hoá được ẩn chứa trong nét văn hoá ẩm thực. Thưởng thức những món ăn lạ mắt, lạ mùi để làm phong phú thêm cho hành trình du lịch của mình.
Một số món ăn bạn nên thử khi tham gia vào lễ hội chợ tình Hà Giang phải kể đến như: mèn mén, thắng cố, tậu chúa, lẩu dê, thịt bò khô, thịt lợn hun khói, lạp sườn, rượu ngô…
Một số địa điểm check-in khác gần Chợ Tình Hà Giang bạn nên biết
Khi đã đến mảnh đất của đá ngoài thời gian tham gia vào phiên chợ tình Hà Giang đặc sắc cuối tháng 3 âm lịch hàng năm thì bạn đừng bỏ lỡ những địa điểm trên con đường hành trình du lịch của mình nhé.
– Bản Sủng Là – vẻ đẹp của thuở ban sơ
Sủng Là được ví như một cô gái đẹp giữa núi cao hùng vĩ, đặc biệt vào tiết xuân tháng 3 hoa đào vẫn còn sót lại, hoa lê trắng vừa nhú vẫn đọng đầy những giọt sương mai. Những ngôi nhà bản với vẻ đẹp mộc mạc cổ kính, đã có những vết bong tróc theo thời gian. Từ bản đưa mắt nhìn bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng, màu xanh của những bãi ngô, màu tím của các loài hoa dại đan xen và sự nhẹ nhàng của nắng tháng ba.
Nơi đây có thể nói như Nguyên Tuân rằng “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Đừng bỏ qua nơi này khi đến Hà Giang vào tháng 3 âm lịch bạn nhé.
– Cột cờ Lũng Cú – niềm thiêng liêng nơi địa đầu
Để đi lên cột cờ Lũng Cú bạn sẽ phải vượt qua 389 bậc đá và 140 bậc thang xoắn ốc trong lòng cột cờ. “Núi cao lên đến tận cùng/Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” là câu thơ thật đúng với địa điểm này. Từ trên cột cờ nhìn xuống, sự hùng vĩ của Hà Giang hay chính là vẻ đẹp hùng vĩ của Việt Nam được thể hiện một cách trọn vẹn nhất. Từ những thửa ruộng bậc thang, những đồi thông, vườn hoa hay dòng thác đổ. Tất cả hiện lên sống động ngay trước mắt du khách, để ta thêm yêu mảnh đất này.
– Mã Pí Lèng – tứ đại đỉnh đèo
Hãy đến đây chinh phục nó nếu bạn đủ can đảm nhé, quãng đèo dài đến 20km lại vừa nhỏ vừa dốc. Đây chính là địa điểm dành cho những phượt thủ muốn được trải nghiệm cảm giác “thót tim liên hồi”. Nhưng dường như càng khó thì lại càng được nhiều du khách muốn thử. Bởi vì, khi đã thử sẽ rất dễ “nghiện” – đây là một thứ cảm giác khó để diễn tả bằng lời.
Cảnh sắc hùng vĩ với những ngọn núi cứ nối đuôi nhau trải dài như vô tận. Khi đi trên cung đường này bạn thấy mình như được sống với những tinh thần trẻ nhất, máu lửa nhất. Nếu check-in ở đây hẳn bạn sẽ được liệt vào danh sách những người ngầu nhất Việt Nam đấy.
– Sông Nho Quế – dải lụa quyến rũ giữa thung xanh
Cùng với phiên chợ tình Hà Giang đầy ý nghĩa, sông Nho Quế cũng là một địa điểm đủ mạnh mẽ, giàu tinh tế giữa đất trời nơi đây. Nếu muốn trải nghiệm trọn vẹn nhất hãy chọn đi thuyền trên sông Nho Quế đoạn chia đôi hẻm Tu Sản – vách vực sâu nhất Đông Nam Á.
Về việc di chuyển đến đây, bạn có thể lựa chọn hai cung đường là đi hướng phía Mèo Vạc. Còn nếu bạn tự tin về tay lái của mình thì có thể chọn đi đường Đồng Văn. Một lời khuyên cho bạn là để an toàn vẫn nên chọn đi hướng Mèo Vạc nhé. Có 2 bến thuyền để du khách có thể đi, bến ở thôn Tà Làng, Pải Lủng, và một bến thuyền khác ở khu vực xã Xín Cái, phía bên kia của đèo Mã Pì Lèng về phía Mèo Vạc.
Giá vé khi tham gia ngồi thuyền trên dòng sông Nho Quế dao động từ: 100 đến 180 nghìn/khách/30phút. Gợi ý cho bạn một số nhà thuyền:
– Chú Vàng (038.2325.973), vị trí xuống bến thuyền sông Nho Quế từ phía Sín Cái
– Chú Dài (0964426017) hoặc Anh Điệp (0865040992), xuống ở bến thuyền Tà Làng, Pải Lủng.
Kinh nghiệm và một số lưu ý khi tham gia chợ tình Hà Giang – Hà Giang.
- Chợ tình Hà Giang (Khâu Vai) nằm trong một bản nhỏ và để đi đến đó phải đi qua nhiều quãng đường hiểm trở. Vì thế nếu đi tự túc bạn hãy đi cùng với những người có tay lái cứng, đã từng chạy đường đèo để đảm bảo an toàn nhé. Hoặc bạn có thể thuê xe và thuê người đèo tại đây.
- Không nên mang quá nhiều tiền mặt khi tham gia vào chợ tình Hà Giang để tránh gặp phải trường hợp “móc túi” không đáng có. Tuy không nhiều người gặp phải trường hợp này nhưng “phòng còn hơn chữa” đúng không nào.
- Nên chọn trang phục phù hợp, tốt nhất là không nên quá sexy vì thời tiết cũng khá lành lạnh và để phù hợp với văn hoá địa phương. Bên cạnh đó, để tránh việc đau chân vì sẽ phải đi bộ khá nhiều hãy chọn cho mình một đôi giày thể thao thay vì giày cao gót bạn nhé.
- Nên liên hệ và đặt trước nơi ở trong những ngày này để được giữ phòng và công tác phục vụ được tốt nhất.
- Không mang quá nhiều quần áo, đồ mỹ phẩm. Song song với đó hãy chuẩn bị một vài liều thuốc cơ bản: thuốc ho, sổ mũi, dị ứng, kem chống muỗi, thuốc chống đau bụng. Thêm một lưu ý nữa cho bạn là không ăn hoặc uống những thực phẩm “lạ” được người lạ mặt đưa cho.
Trên đây là một số review về chợ tình Hà Giang (chợ tình Khâu Vai) – nét văn hoá đặc sắc của vùng núi cao địa đầu tổ quốc mà bạn không nên bỏ qua. Hãy đi và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ tại mảnh đất này nhé.