Đến Sapa, bạn sẽ không chỉ choáng ngợp trước khung cảnh ruộng bậc thang trải dài tít tắp cùng núi non hữu tình. Mà còn bị lôi cuốn bởi những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các bản làng trên sườn núi. Trong đó có bản Cát Cát Sapa – một bản làng nhỏ mộc mạc, được mệnh danh là ngôi làng cổ đẹp nhất ở đây. Hãy cùng Motorbike.vn khám phá bản Cát Cát từ A đến Z, gói gọn trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu chung về bản Cát Cát Sapa
Cát Cát là bản của dân tộc H’Mông, được hình thành từ giữa thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện ra vẻ đẹp hiếm có mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây và chọn bản Cát Cát làm địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao thời bấy giờ.
Là một bản làng nhỏ mộc mạc, cuốn hút với những nếp nhà gỗ đơn sơ, con suối nhỏ chảy róc rách nằm ẩn mình giữa núi non hùng vĩ, không khí quanh năm trong lành, mát mẻ nên ngày nay, Cát Cát Sapa trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và cả nước ngoài.
Tại Cát Cát có khoảng 80 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Họ dựng những mái nhà gỗ nằm dọc theo con đường lát đá ngay trung tâm bản Cát Cát, một số ngôi nhà khác nằm rải rác trên các sườn núi.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử cùng với những thăng trầm của thời gian, người H’Mông ở bản Cát Cát vẫn luôn gìn giữ nguyên vẹn được nét đẹp văn hóa truyền thống của mình, tạo nên vẻ đẹp riêng níu giữ du khách tìm hiểu, khám phá khi đặt chân đến nơi đây.
Ngoài trồng lúa, người đồng bào dân tộc ở Cát Cát còn lưu giữ, phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng bảo tồn được khá nhiều phong tục, tập quán độc đáo.
>>> Gợi ý: Kinh nghiệm du lịch bản Tả Van nổi tiếng hút khách ở Sapa
Bản Cát Cát Sapa ở đâu và di chuyển như thế nào?
Vị trí tọa lạc của bản Cát Cát
Bản Cát Cát là một bản làng vùng cao Tây Bắc của nước ta – thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sapa, Lào Cai – cách Hà Nội khoảng 376km. Ngay dưới chân núi Hoàng Liên Sơn với bốn bề là núi.
Với lợi thế nằm gần thị trấn Sapa nhất so với các bản làng khác như Tả Van, Tả Phìn. Cát Cát từ lâu đã trở thành địa điểm thu hút du khách tham quan và tìm hiểu về văn hóa, đời sống văn hóa của vùng cao Tây Bắc.
Đường đến bản Cát Cát cũng rất dễ đi, từ trung tâm thị trấn Sapa, bạn chỉ cần chạy thẳng hướng theo con đường về núi Fansipan, khoảng 3km là đã đặt chân đến bản Cát Cát.
Hướng dẫn cách đi đến bản Cát Cát Sapa
Đường đi đến bản Cát Cát ngày nay cực kỳ dễ dàng, thuận tiện vì toàn bộ cung đường đã được rải nhựa. Từ trung tâm Nhà thờ Đá Sapa, du khách hãy chạy men theo con đường hướng về phía núi Fansipan khoảng 3km sẽ đến bản Cát Cát.
Trên đường đi, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh tượng thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, với một bên là dãy núi cao, một bên là thung lũng Sapa với những cánh đồng lúa chín vàng.
Đi bản Cát Cát Sapa mùa nào đẹp nhất?
Cũng giống như Tả Van, Tả Phìn hay “thị trấn mù sương” Sapa, bản Cát Cát có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Đây tiếp tục là một điểm đến mà du khách có thể ghé thăm vào mọi mùa trong năm, Xuân – Hạ – Thu – Đông rồi lại Xuân, mùa nào cũng có điều thú vị, hấp dẫn riêng khi đến với Cát Cát.
Vào mùa xuân, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh hoa đào, hoa mận nở trắng rừng, khiến cho bản làng đẹp và thơ mộng như một bức tranh, khiến bất kỳ ai đến đây cũng đều phải trầm trồ, cảm thán. Đây cũng là mùa của nhiều lễ hội rộn rã gọi mời du khách tham gia.
Mùa hè là mùa của hoa cải vàng tươi, trên nền xanh mướt của cây cỏ, với những tín đồ “sống ảo” quả thực không thể bỏ qua cơ hội check-in tại những ruộng hoa cải rực rỡ tại Cát Cát.
Khi thu sang, những thửa ruộng bậc thang chín vàng ươm, trĩu cành tạo nên khung cảnh đẹp đến ngỡ ngàng.
Nếu muốn tận hưởng không khí lạnh của Tây Bắc, hãy đến Cát Cát vào mùa đông để chiêm ngưỡng cảnh tượng bản làng, núi rừng chìm trong băng giá và tuyết trắng. Nơi đây không hổ danh là địa điểm ngắm tuyết đẹp nhất Việt Nam với mây mù, tuyết phủ trắng xóa cả một vùng khi đông sang.
Cập nhật giá vé vào bản Cát Cát Sapa mới nhất
Giá vé vào bản Cát Cát cực kỳ hợp lý, thích hợp với mọi du khách. Bảng giá vé update 2022 như sau:
- Đối với người lớn và trẻ em cao từ 1,4 mét: 90.000 đồng/người/lượt
- Đối với trẻ em cao từ 1 mét – dưới 1,4 mét: 50.000 đồng/người/lượt
- Đối với trẻ em cao dưới 1 mét: Miễn phí
List 10 trải nghiệm cực “hot” tại bản Cát Cát Sapa
Đã cầm tấm vé vào bản Cát Cát trên tay rồi, còn chần chừ gì nữa mà không khám phá bằng hết những điều tuyệt vời nơi đây. Sau khi mua vé, hãy lấy thêm một tấm bản đồ bản Cát Cát tại quầy bán vé để có thể hình dung rõ hơn về các địa điểm nổi tiếng cũng như chỉ dẫn đường đi trong bản Cát Cát nhé!
1. Check-in ngay từ đường dẫn vào bản Cát Cát
Trong bản Cát Cát có 2 con đường xuyên suốt mà chắc chắn bạn sẽ đi qua rất nhiều và để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ nhất. Đầu tiên là đường dẫn vào bản Cát Cát, thứ hai là con đường bậc thang lát đá từ cổng bản dẫn vào bên trong.
Dạo chơi trên những con đường này, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng trọn vẹn toàn bộ bản làng từ trên cao, với những nếp nhà san sát, hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ. Đừng quên chụp ảnh check-in để lưu giữ nhiều khoảnh khắc đáng nhớ nhé.
2. Tham quan con đường bậc thang lát đá
Như đã nói ở trên, con đường bậc thang nhỏ, chỉ đủ cho hai người đi song song được lát đá bóng loáng, lọt thỏm giữa hai dãy nhà sẽ gây ấn tượng cho bạn ngay khi vừa đặt chân vào bản.
Nằm dọc hai bên đường là những quầy hàng bày bán vô số đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, các mặt hàng truyền thống do chính bàn tay khéo léo của người dân bản Cát Cát tự tay chế tác nên.
Bạn cũng có thể vừa thăm quan, vừa thực hiện luôn một chuyến “foodtour” – thưởng thức ẩm thực địa phương ngay khi dạo chơi dọc con đường lát đá này.
3. Khám phá những ngôi nhà của người H’Mông bản Cát Cát
Bản Cát Cát Sapa có khoảng hơn 80 ngôi nhà sàn của người H’Mông, đến đây, đừng quên khám phá những ngôi nhà cổ với lối kiến trúc đặc biệt, được xây dựng từ khoảng thế kỷ XIX để làm phong phú thêm vốn sống, hiểu biết của bạn.
Những ngôi nhà 3 gian được làm bằng ván gỗ pơmu, vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, hai cửa phụ ở hai đầu nhà.
Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, lễ cúng vào dịp lễ Tết. Trong nhà có gian bếp, một hai gian để ngủ, nơi tiếp khách và sàn gác lương thực dự trữ.
Hãy thử dành trọn vẹn một buổi để tới thăm một ngôi nhà cổ của người H’Mông nơi đây, cùng tham gia vào những sinh hoạt thường nhật của họ, ngồi đan lát, nấu nướng quây quần bên bếp lửa, nhâm nhi chén rượu táo mèo, rượu ngô và nghe các cụ gìa kể chuyện xưa… Motorbike.vn tin rằng đây sẽ là trải nghiệm khiến bạn ấn tượng mãi về sau.
4. Dạo chơi tại trung tâm bản Cát Cát Sapa
Thăm nhà cổ của người dân xong, hãy ra ngoài và dạo chơi tại trung tâm bản Cát Cát. Có thể nói đây là điểm dừng chân không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá địa điểm này.
Đi qua khỏi con đường dốc thẳng đứng được lát đá, trải ra trước mắt du khách là khung cảnh đẹp đến ngỡ ngàng với hình ảnh chiếc cối xay nước khổng lồ, chiếc cầu tre bên dòng thác và những chiếc đu quay bằng gỗ…
Bạn có thấy quen quen như đã được chiêm ngưỡng cảnh tượng này ở đâu đó rồi không? Chính xác đấy! Bởi đây là background check-in “quốc dân” mà 7749 du khách, bất kể ai đến đây cũng phải dừng lại bấm máy để mang “khoe” lên mạng xã hội cho thiên hạ trầm trồ!
5. Thưởng thức đặc sản bản Cát Cát Sapa
Một thú vui dành cho du khách đến bản Cát Cát chính là thưởng thức đặc sản địa phương. Có thể kể tên một số món ngon – lịm – tim không nên bỏ qua như: rượu ngô, rượu táo mèo, thịt trâu gác bếp, ngô nướng, thịt lợn bản nướng xiên, trứng nướng, thắng cố…
Rượu ngô bản Cát Cát còn được gọi với danh xưng mỹ miều là “nước hạnh phúc”. Cách làm rượu ngô cũng cực kỳ tinh tế, cầu kỳ.
Ngô sau khi được thu hoạch về sẽ đem phơi khô, khi mang ra nấu rượu, trái ngô được đun sôi trong nước nóng trong một khoảng thời gian dài, khiến các hạt bị vỡ ra.
Sau đó, hạt ngô được trộn lẫn với nấm và ủ khoảng 1 tuần cho lên men, cho ra thành phẩm giọt rượu thơm ngọt, nồng nàn.
Còn thịt trâu gác bếp là đặc sản đã trở nên quen thuộc của núi rừng Tây Bắc. Những thớ thịt dai dai, ngọt thơm quyến rũ, hòa quyện với mùi khói bếp đặc trưng chắc chắn sẽ khiến du khách không thể cưỡng lại được.
Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức các món ngon khác như trứng nướng, ngô rẫy nướng, thịt lợn bản, thắng cố – một món ngon làm từ thịt ngựa kết hợp với 12 loại gia vị truyền thống… cũng cực kỳ thơm ngon với hương vị đặc biệt, không thể lẫn lộn với đặc sản ở bất kỳ vùng miền nào khác.
6. Thăm quan danh thắng Thác Bạc ở bản Cát Cát
Thác Bạc ở Sapa còn có tên gọi khác là thác Cát Cát – do người Pháp đặt tên từ thế kỷ XX.
Dòng nước tuôn trào từ thác quanh năm trắng xóa một màu, dội thẳng từ trên xuống tạo nên khung cảnh đặc biệt kỳ vĩ cùng với âm thanh êm dịu sẽ khiến tâm hồ bạn cảm thấy vô cùng thư thái, yên bình khi dừng chân chiêm ngưỡng.
7. Chuyện trò, vui chơi, hòa vào không khí lễ hội cùng dân bản
Nếu đến Cát Cát vào đúng dịp đầu xuân năm mới, Motorbike.vn gợi ý các bạn hãy tham gia vào nhiều lễ hội của người dân bản để vừa thư giãn, vừa tìm hiểu bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống, tín ngưỡng của đồng bào nơi đây.
Có thể kể đến lễ hội Hầu Tào, người dân tổ chức để cầu bình an, may mắn, xua đuổi tà ma, bệnh tật; lễ hội chào xuân với hình ảnh các thiếu nữ H’Mông xinh đẹp say sưa nhảy múa.
Đây là cơ hội để du khách cùng hòa mình vào những lời ca, tiếng hát, điệu khèn, hay tham gia nhảy sạp cùng dân bản và thưởng thức rượu ngô, bánh ngô, thắng cố, thịt hun khói “khăng gai”… Đảm bảo nụ cười sẽ không bao giờ tắt khi bạn hòa mình trong những lễ hội, sự kiện nơi đây.
8. Ngắm ruộng bậc thang tuyệt đẹp
Một khung cảnh tuyệt đẹp làm nên thương hiệu của Sapa chính là những thửa ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang tại bản Cát Cát Sapa mỗi một mùa lại khoác lên mình màu sắc riêng, xếp tầng tầng lớp lớp như những nấc thang lên trời.
Mùa xuân, khi lúa đang thì con gái, ruộng bậc thang mang vẻ xanh non mơn mởn. Khi lúa chín, khắp nơi là một màu vàng óng trải dài tít tắp, tạo nên cảnh tượng đẹp đến nao lòng.
9. Diện trang phục thổ cẩm “sống ảo”
Thêm một trải nghiệm thú vị khi đến bản Cát Cát đó là thử mặc trang phục của người H’Mông, được dệt bằng thổ cẩm với màu sắc, hoa văn vô cùng sặc sỡ, ấn tượng.
Bạn có thể thuê vô số trang phục với nhiều màu sắc, mẫu mã phong phú, với giá chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng là đã có cho mình bộ cánh cực đẹp để “sống ảo” với nghìn lẻ một khung hình.
10. Tham quan các khu nghề truyền thống trong bản
Ngoài nghề nông, du lịch, người H’Mông bản Cát Cát còn có các nghề thủ công truyền thống từ bao đời nay như dệt vải, đan lát, đúc đồng…
Các khu nghề truyền thống không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn là địa chỉ thú hút du khách đến thăm quan, tìm hiểu và ngắm nhìn tận mắt các công đoạn đan lát, dệt vải người thợ thủ công lành nghề.
Bạn còn có cơ hội thăm quan khu trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông. Ở đây có trang phục, khăn choàng, phụ kiện, túi xách… thổ cẩm, trang sức bằng bạc, đồng do người đồng bào chế tác theo phương thức truyền thống như nhẫn, vòng tay, dây chuyền…
>>>Gợi ý: Chợ Phiên Bắc Hà ở đâu, họp vào ngày nào, có gì vui?
Mua gì làm quà khi đi du lịch bản Cát Cát Sapa
Bản Cát Cát có nhiều sản vật độc đáo mà chắc chắn bạn bè, người thân của bạn sẽ vô cùng thích thú khi nhận được những món quà mà bạn “xách tay” về sau chuyến đi này. Không cần mất nhiều thời gian, chỉ cần vừa dạo chơi, thăm quan vừa tranh thủ mua sắm ngay tại bản, bạn sẽ có cơ man những lựa chọn khi muốn tìm mua quà tặng tại Cát Cát.
– Thổ cẩm
Đến bản Cát Cát, du khách sẽ được chìm đắm trong những sắc màu rực rỡ của bộ trang phục thổ cẩm truyền thống mà các thiếu nữ, các bà, các mẹ H’Mông khoác lên mình. Gam màu chủ đạo là màu đỏ – phù hợp với khí hậu mát mẻ vào mùa hè, lạnh giá vào mùa đông, khiến họ càng trở nên nổi bật.
Nếu thích, bạn có thể đầu tư hẳn một khoản để mua bộ đồ thổ cẩm, hoặc đơn giản hơn là một vài món đồ lưu niệm, phụ kiện nhỏ xinh cũng được chế tác cực kỳ khéo kéo với nhiều hoạt tiết hoa văn độc đáo, được bày bán khắp các gian hàng của người dân tại bản.
– Đồ trang sức
Người dân bản Cát Cát Sapa có nghề thủ công truyền thống là chế tác trang sức bạc, đồng, do đó những món trang sức tinh xảo, đẹp đến ngỡ ngàng này cũng xuất hiện trên nhiều gian hàng. Du khách có thể dễ dàng tìm mua cho mình và bạn bè nhiều trang sức đẹp mắt với các mức giá khác nhau.
– Vải sợi lanh
Một nghề thủ công truyền thông nữa của người đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Cát Cát là nghề dệt vải. Vải dệt sợi lanh Cát Cát cũng là sản phẩm thủ công đặc biệt mà các chị em cực kỳ yêu thích.
Dạo một vòng quanh chợ trung tâm bản, du khách sẽ được ngắm nhìn những tấm vải sợ lạnh với hoa văn độc đáo, màu sắc cực kỳ nổi bật nhưng cũng rất hài hòa, trang nhã được dệt nên bởi đôi bàn tay tài hoa của những thợ thủ công lành nghề.
– Đồ đan lát ở bản Cát Cát Sapa
Đồ đan lát ở bản Cát Cát chính là một điểm nhấn tuyệt vời tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của nghề truyền thống vùng núi rừng Tây Bắc.
Các vật dụng gia đình, nông cụ, công cụ sản xuất đều được đan lát từ tre, nứa sẽ khiến bạn vô cùng thích thú và trầm trồ bởi sự tinh xảo, khéo léo không hề trộn lẫn với bất kỳ sản phẩm ở địa phương khác.
– Thịt trâu gác bếp
Như Motorbike.vn đã giới thiệu ở trên, thịt trâu gác bếp bản Cát Cát với vị ngọt thơm, cay nồng khi chấm cùng chẳm chéo đượm màu xanh của các loại rau gia vị sẽ khiến bạn vừa nhìn đã thích mê. Do đó, đây cũng là đặc sản đặc biệt mà bạn có thể mua về làm quà
– Các loại trái cây
Sapa có nhiều loại trái cây nổi tiếng, đặc trưng của xứ lạnh như đào, lê, mận… Được trồng nên vùng núi đồi với phương thức canh tác truyền thống của người dân bản địa nên những trái ngọt có thể có vẻ ngoài không được bắt mắt, hoàn hảo, nhưng hương vị thơm ngon thì chắc chắn sẽ khiến bạn phải gật gù, tấm tắc.
Nghỉ ở đâu khi đi bản Cát Cát Sapa?
Vui chơi, ăn uống “quần quật” suốt cả một ngày dài, chắc các bạn cũng đã thấm mệt rồi. Cuối ngày là lúc du khách trở về với các homestay tại bản Cát Cát để nghỉ ngơi, thư giãn, vừa chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp xung quanh, vừa tận hưởng trọn vẹn không khí sinh hoạt của người dân địa phương.
Hãy cùng Motorbike.vn điểm tên các homestay sở hữu “view” đỉnh của chóp tại bản Cát Cát:
Sapa CatCat Hills Resort & Spa
Tọa lạc tại thị xã Sa Pa, chỉ cách Ga cáp treo Fansipan Legend 1,2 km, Sapa Catcat Hills Resort & Spa nổi tiếng là nơi cung cấp chỗ nghỉ dưỡng đẳng cấp, “sang chảnh” với nhiều tiện ích đi kèm như nhà hàng, hồ bơi ngoài trời, quầy bar và vườn.
Resort này còn nằm gần bản Cát Cát Sapa và một số điểm tham quan nổi tiếng nên bạn sẽ cực kỳ tiện lợi trong việc di chuyển, sắp xếp thời gian đi chơi.
Sapa The Chill Garden & Villas
- Địa chỉ: Đường Fansipan, Sapa, Lào Cai
Đây là khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại Sapa được xây dựng theo mô hình nhà lắp ghép thông minh. Với quy mô gần 500m2, The Chill Garden & Villas là khu nghỉ dưỡng độc đáo, gồm 7 căn độc lập theo từng phân khu với các ban công hướng ra thung lũng Mường Hoa và dãy Fansipan nổi tiếng.
Hotel Cat Cat Galerie d’Art
- Địa chỉ: 46 Fansipan, Sapa, Lào Cai
Cách Ga cáp treo Fansipan Legend 1,7 km, tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, Cat Cat Galerie d’Art cung cấp chỗ nghỉ với nhà hàng, chỗ đỗ xe, sảnh khách chung và vườn.
The Haven Sapa Camp Site
- Địa chỉ: Đồi Vọng Cảnh, Sapa, Lào Cai
Chính xác như tên gọi, ngôi nhà trên mây nhà như thế thiên đường trên mặt đất, tọa lạc tại Sapa.
Hãy tưởng tượng một buổi sáng đẹp trời, bạn thức giấc tại đây, ánh nắng như người bạn, ngọn gió như tri kỷ mơn man đùa trên da thịt và cây cối như lời ca, mây trời nối gót chân bạn. Không gian cực kỳ lãng mạn sẽ làm hài lòng cả những khách hàng khó tính nhất!
Đừng quên những kinh nghiệm du lịch bản Cát Cát Sapa
- Tuyến đường lên Cát Cát vô cùng dễ đi, nên có nhiều lựa chọn về phương tiện di chuyển. Tiện lợi và tiết kiệm nhất là bắt xe ôm từ trung tâm thị trấn đến bản này, còn ở chiều ngược lại, xe ôm sẽ đậu ở khu vực đầu hoặc cuối bản. Đừng quên mặc cả một chút để tránh bị chặt chém.
- Khí hậu Sapa cực kỳ độc đáo, du khách có thể tận hưởng trọn vẹn cả 4 mùa xuân hạ thu đông chỉ trong một ngày tại Sapa. Do đó khi đến đây, đừng quên chuẩn bị đầy đủ cả trang phục mùa hè lẫn mùa đông để thay đổi cho phù hợp.
- Nếu đi bản Cát Cát vào mùa đông, bạn phải mang theo cả phụ kiện giữ ấm như khăn choàng, mũ len, tất tay len… để chống chịu được với cái buốt giá nơi đây.
- Để thuận lợi cho việc dạo bộ, leo nhiều bậc thang đá tại bản, tốt nhất bạn nên mang giày thể thao, giày đế bằng dễ đi để đôi chân không bị đau nhức hoặc mất nhiều sức khi đi lại, di chuyển đây đó.
- Đi chơi thì không thể thiếu tiết mục “sống ảo”. Nhiều chàng trai, cô gái còn thuê cả trang phục thổ cẩm để check-in cho “hợp cảnh”. Nhưng vui chơi, tạo dáng cũng đừng quên giữ gìn tư trang, đồ đạc cá nhân cẩn thận nhé!
- Tại bản Cát Cát bày bán nhiều mặt hàng thủ công, đặc sản địa phương, tuy nhiên vẫn có nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc du nhập vào. Do đó khi chọn mua hàng, bạn nên tìm hiểu kỹ về chất lượng, nguồn gốc…
- Chứng minh nhân dân, các loại giấy tờ tùy thân khác như bằng lái xe… là giấy tờ quan trọng để du khách làm thủ tục “check in” khi nhận phòng khách sạn hoặc khi thuê xe di chuyển, hãy chuẩn bị trước ở nhà để tránh bị quên nhé!
Gợi ý lịch trình du lịch bản Cát Cát Sapa lý tưởng nhất
Để có một chuyến vi vu đến bản Cát Cát vui vẻ, ý nghĩa, Motorbike.vn sẽ “mách” bạn lịch trình siêu chi tiết và hợp lý dưới đây!
Ngày 1: Sapa – Cảng Hàm Rồng
Nếu Sapa là điểm khởi đầu cho hành trình khám phá Tây Bắc, hãy bắt đầu thăm quan các khu du lịch như núi Hàm Rồng, vườn lan Đông Dương.
Đến Sapa, không thể không đặt chân đến Cổng trời Sapa để ngắm trọn vẹn khung cảnh “xứ sở mù sương” từ trên cao. Đến tối, hãy trở lại khách sạn, homestay của mình để nghỉ ngơi, ăn tối và tận hưởng không khí lành lạnh, trong lành của Sapa về đêm.
Ngày 2: Sapa – Bản Cát Cát
Sau một ngày dành trọn để khám phá Sapa, ngày thứ hai sẽ là thời điểm lý tưởng để du khách vi vu đến bản Cát Cát, chỉ cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng chừng 3km.
Nằm giữa núi rừng hùng vĩ, nên thơ, bản làng của người đồng bào thiểu số Tây Bắc này sở hữu vẻ đẹp mộc mạc, đặc trưng cho bản sắc văn hóa người đồng bào thiểu số nơi đây.
Không chỉ dạo chơi, chụp hình, đến với bản Cát Cát Sapa, du khách còn có cơ hội trực tiếp tìm hiểu cách mà các thợ thủ công nơi đây chế tác các món đồ truyền thống, dệt vải, đan lát… Đến trưa, bạn hãy về khách sạn ăn trưa; nghỉ ngơi và chuẩn bị cho lịch trình tham quan; mua sắm tại thị trấn Sapa vào chiều tối.
Ngày 3: Sapa – Cáp treo Fansipan
Sang ngày thứ 3, hãy nạp năng lượng thật nhiều trong bữa sáng để chuẩn bị cho hành trình chinh phục “nóc nhà Đông Dương” – Đỉnh Fansipan huyền thoại. Từ đây, bạn có thể thoải mái chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của dãy hoàng Liên Sơn, ngắm nhìn thung lũng Mường Hoa đẹp nên thơ từ trên cao.
Với những kinh nghiệm, hướng dẫn cực kỳ chi tiết mà Motorbike.vn đã đúc rút trong bài viết trên, hy vọng rằng các tín đồ du lịch sẽ có một chuyến đi trọn vẹn, vui vẻ và ý nghĩa nhất đến bản Cát Cát Sapa.
Theo Ngân Hà – Motorbike.vn